
Cách Hà Nội khoảng 140km, bản Lác nằm ẩn mình trong thung lũng, được bao bọc bởi các dãy núi trùng điệp và những màn sương bao phủ đầy mờ ảo. Trải qua lịch sử hình thành hơn 700 năm, ngày nay bản Lác trở thành biểu tượng mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái trắng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Trước đây, khi bản Lác còn chưa được biết đến rộng rãi, người dân ở đây không hề biết đến các hoạt động dịch vụ du lịch. Họ chủ yếu đều thuộc 5 dòng họ của người dân tộc Thái: Hà, Vì, Mác, Lộc, Lò, sống chủ yếu nhờ vào các hoạt động trồng lúa, lên nương, chăn nuôi và dệt thổ cẩm. Về sau, khi vẻ đẹp của bản Lác được người ta phát hiện và nhanh chóng trở nên nổi tiếng, lượng khách du lịch đổ về đây ngày càng nhiều. Người dân nơi đây bắt đầu biết đến việc kinh doanh thông qua việc cho khách thuê nhà sàn để du khách ngủ lại qua đêm và các dịch vụ ăn uống, cho thuê quần áo, xe cộ,…
Nhà sàn ở đây đều là loại nhà sàn cao ráo, cách mặt đất chừng 2m được chống đỡ bằng những cột gỗ vững chắc. Mái nhà được lợp bằng lá gồi hoặc lá mây. Các cửa sổ có kích thước lớn, vừa đón được gió mát vừa là nơi thoáng đãng để treo các giỏ hoa phong lan trang trí cho ngôi nhà. Hiện nay, các nhà sàn dùng vào việc kinh doanh như thế này đã được cải tiến nhiều về nguyên liệu xây dựng cũng như luôn được trang bị khá đầy đủ các tiện nghi, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp chân xác và mộc mạc nguyên thủy của nó.
Đường xá quanh bản đều sạch sẽ, khang trang, cảnh quan cũng được giữ gìn sạch sẽ, đa phần cũng là bởi ý thức của người dân bản cũng như của khách tham quan du lịch bản. Quanh bản là những đồng lúa xanh mướt, suối chảy trong vắt, núi non trùng điệp, cũng chính là một trong những lí do khiến mảnh đất gần trời xa đất này trở thành một trong những địa điểm du lịch mà nhất định bạn phải ghé qua trong đời.
Tác phong phục vụ khách du lịch của người dân nơi đây từ việc phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi hay bán đồ lưu niệm cũng đều rất thân thiện và chuyên nghiệp. Tuyệt đối không có chuyện chặt chém hay lừa gạt khách du lịch, các mặt hàng ở đây được bày bán công khai với giá cả rất phải chăng. Bên cạnh đó, họ còn tổ chức các đội văn nghệ để phục vụ sở thích của du khách cũng như giới thiệu về nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nhưng không phải vì chạy theo cái lợi mà người dân nơi đây lại đánh mất đi bản chất dân dã vốn có của mình. Song song với phát triển du lịch, họ vẫn giữ nguyên những giá trị truyền thống của dân bản. Nghề trồng lúa, lên nương, dệt thổ cẩm vẫn được duy trì.
Đến với bản Lác, du khách như được bước vào một thế giới nhỏ yên bình không chỉ với những ngôi nhà sàn vững chãi mà mộc mạc, đơn sơ nhưng lại rất đỗi gần gũi, quen thuộc mà còn vì rất nhiều những điều thú vị sau đây mà không phải địa điểm du lịch nào cũng có được.
Đặc sản của bản Lác, Mai Châu trước hết phải kể đến khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời ở nơi đây. Nếu là lần đầu tiên ghé thăm mảnh đất này, bạn chắc chắn sẽ bị choáng ngợp ngay từ khi ngồi trên xe để leo lên những con đèo khúc khuỷu, quanh co, hai bên là dãy núi đá sừng sững và vực dốc thăm thẳm.
Vào đến bản Lác, cảnh vật sẽ có những đường nét êm dịu và thơ mộng hơn. Những cánh đồng lúa trải dài tít tắp một màu xanh mướt đến ngợp trời, những đỉnh núi xa xa ẩn hiện trong màn sương mờ đục trong cái lạnh se se của núi rừng đại ngàn chắc chắn sẽ đem lại cho bạn những xúc cảm không thể nào quên được. Ngoài ra, bạn cũng có thể thuê một chiếc xe điện để ghé thăm Hang Chiều nằm cách bản không xa, được rất nhiều khách du lịch khen ngợi vì sự rộng lớn và những nhũ đá hàng nghìn năm tuổi.
Đặc biệt, đã đặt chân đến bản Lác thì đừng bao giờ trở về mà chưa thử rượu cần của chính người trong bản tự sản xuất nguyên liệu và ủ bằng phương pháp thủ công truyền thống. Người Thái là một trong những dân tộc thiểu số có cách làm rượu cần tương đối đặc biệt so với các dân tộc khác. Sau khi gom đủ các loại lá quả như mắc cái, bơ hinh ho, củ riềng, quả ớt, lá trầu không,…, họ đem giã nhuyễn với gạo tấm, đem ủ từ 15 – 20 ngày. Cái rượu thường được làm bằng vỏ củ sắn khô hoặc ngô, củ dong riềng, hạt ý dĩ,… Trải qua một quá trình khá phức tạp nữa, rượu cần mới được nên vị thơm và nồng rất đặc trưng, được dùng bằng các cần tre trúc nhỏ đã được đục thông.
Thưởng thức các món ăn nổi tiếng của Mai Châu bên cạnh chum rượu cần, ngắm nhìn các thiếu nữ dân tộc Thái biểu diễn các điệu múa truyền thống đầy uyển chuyển, mượt mà thì quả là không có gì sánh bằng. Hãy đến với bản Lác, Mai Châu để tự mình cảm nhận những nét đặc sắc trong cảnh trí thiên nhiên và văn hóa của miền đất đầy thú vị này nhé.